* Philippines: chỉ hiện đại hóa quân đội mới ngăn chặn Trung Quốc "bắt nạt"* Nhật tính đưa lính ra đảo nhằm đối phó Trung Quốc
Manila mời Bắc Kinh ra tòa án quốc tế
Phóng to |
Vụ việc bế tắc đến nay đã kéo dài hơn một tuần xảy ra tại một đảo đá ngầm không xa Luzon, đảo chính của Philippines.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân ngày 18-4 thông báo Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh đã triệu tập đại diện sứ quán Philippines ở Bắc Kinh, Alex Chua, để trao đổi về vụ tranh cãi. Đây là lần thứ hai ông Chua bị triệu tập lên Bộ Ngoại giao trong bốn ngày.
“Chúng tôi hối thúc Philippines nhớ kỹ quan hệ chung tốt đẹp giữa Trung Quốc và Philippines”, ông Lưu nói. Vụ việc nổ ra tuần trước khi các tàu Trung Quốc chặn một tàu chiến Philippines bắt giữ các thủy thủ trên những tàu cá của Trung Quốc trong vùng. Manila khẳng định họ có chủ quyền với vùng biển nơi xảy ra sự cố, trong vòng 200 hải lý đặc quyền kinh tế của họ, theo luật pháp quốc tế.
Diễn biến thêm phức tạp khi Bắc Kinh cử một tàu chiến lớn, Ngư chính 310, tới biển Đông ngày 18-4, theo báo Trung Quốc China Daily. Ngày 10-4, 12 tàu cá Trung Quốc đã bị Philippines chặn lại ở vùng biển này, sau đó Philippines cử thêm một tàu chiến lớn; còn Trung Quốc cũng đưa ra hai tàu tuần tiễu.
Sau đó, tàu chiến Philippines và các tàu cá rời đi, nhưng ngày 18-4, Trung Quốc lại cử tàu Ngư chính 310, từ căn cứ Quảng Châu, tới vùng biển này. Trước đó, ngày 15-4, Trung Quốc cũng đã cử tàu Ngư chính 44061 từ căn cứ Trạm Giang tới biển Đông.
* Bộ trưởng ngoại giao Philippines, Voltaire Gazmin, nói trên báo The Philippine Star rằng những tranh chấp sẽ được đưa ra thảo luận ở cuộc gặp ngày 30-4 tới ở Washington giữa những quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Philippines và Mỹ.
Ông Gazmin cũng nói rằng chỉ hiện đại hóa quân đội, Philippines mới có thể ngăn chặn việc Trung Quốc bắt nạt mình. Ông cho rằng chính phủ hiện các giải pháp hòa bình đã không nhận được sự hợp tác từ phía Bắc Kinh.
“Lựa chọn thứ ba là nâng cấp khả năng của lực lượng quốc phòng”, ông Gazmin nói. “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này không nhắm vào Trung Quốc hay bất cứ nước nào trong vùng. Đây chỉ là để tự vệ và đảm bảo rằng pháp luật được thực thi và chúng ta có thể bảo vệ vùng biển chủ quyền của mình”.
Chính phủ của Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III, ngày 17-4 cũng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc đưa vụ việc ra giải quyết ở Liên Hiệp Quốc và Tòa án quốc tế về luật biển. Ông Gazmin nói Trung Quốc có khuynh hướng bắt nạt các nước láng giềng hơn là giải quyết vấn đề tranh chấp theo luật pháp, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Đảo đá ngầm Scarborough, mà Manila gọi là Panatag, cách tỉnh Zambales 65 hải lý và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, theo quân đội nước này.
“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này theo UNCLOS nếu một bên không hợp tác”, ông Gazmin nói. “Chúng tôi luôn muốn như thế nhưng họ thì không. Tuyên bố của họ với vùng này về cơ bản là dựa trên “lịch sử””. Cả Trung Quốc và Philippines đều đã phê chuẩn UNCLOS.
* Ngày 18-4, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xem xét kế hoạch cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) đồn trú tại đảo Tinian thuộc quần đảo Bắc Mariana (thuộc địa Mỹ) để đối phó với “tham vọng biển” của Trung Quốc.
Nếu kế hoạch được thông qua, SDF sẽ tiến hành huấn luyện chung với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Tinian, trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng vệ đối với chuỗi đảo Nansei gần với Trung Quốc.
Do vậy, Tokyo cũng có kế hoạch gánh vác một phần chi phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất tại các căn cứ Mỹ ở Tinian và những nội dung này sẽ được nêu lên trong báo cáo giữa kỳ về kế hoạch tái bố trí quân Mỹ tại Nhật Bản.
Kế hoạch tăng cường bảo vệ các quần đảo xa bờ đã được Nhật Bản nêu ra trong Đại cương phòng vệ mới (thông qua tháng 12-2010).
Tuy nhiên, vì Mỹ có kế hoạch di chuyển khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ tới đảo Guam nên việc tăng cường huấn luyện chung giữa lực lượng hai nước để duy trì sức mạnh răn đe là việc không thể thiếu.
Do việc triển khai huấn luyện tại Okinawa hiện đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương nên Tokyo hi vọng sẽ biến Tinian trở thành căn cứ huấn luyện chung mới giữa hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận